Huyết áp cao là gì? Dấu hiệu, tác hại, cách điều trị

19 Tháng 1, 2021

Chia sẻ

message

Huyết áp cao là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng rõ rệt, đặc biệt tỉ lệ người mắc bệnh này ngày càng tăng cao. Vậy làm thế nào để nhận biết dấu hiệu của bệnh, các tác hại và cách điều trị huyết áp cao là gì? Cùng tìm câu trả lời chi tiết qua bài viết sau đây.

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp là số đo về lực của máu tác động lên thành động mạch. Chỉ số này phụ thuộc vào lực bơm máu của tim, thể tích máu bơm được và kích thước cũng như độ đàn hồi của thành động mạch.

Huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp, là tình trạng áp lực máu lên các thành động mạnh quá cao so với bình thường. Người bị huyết áp cao có thể sẽ không nhận biết được dấu hiệu của bệnh trong một thời gian dài. Mặc dù không biểu hiện ra ngoài nhưng những biến chứng của huyết áp cao rất nguy hiểm như đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim...Vì vậy, bạn cần phát hiện bệnh sớm để có những phương pháp điều trị kịp thời.

Các biểu hiện khi bị huyết áp cao

Được ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì huyết áp cao tiến triển trong cơ thể người bệnh mà hầu như không có bất kỳ triệu chứng nào. Có thể mất đến vài năm các biểu hiện của bệnh mới bộc phát rõ ràng, khi đó đã là giai đoạn nguy hiểm. Chính điều này đã khiến nhiều người không đề phòng mà gây nên những hậu quả đáng tiếc. Thỉnh thoảng một số bệnh nhân sẽ gặp những dấu hiệu thoáng qua của bệnh như:

  • Đau đầu.
  • Chảy máu cam.
  • Chóng mặt.
  • Mặt đỏ.
  • Tiểu ra máu.
  • Mắt nhìn mờ.
  • Đau ngực.

Vì các biểu hiện của bệnh huyết áp cao rất khó nhận biết và dễ bị nhầm lẫn với những căn bệnh thông thường khác, do đó bạn nên kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh. Đặc biệt, nếu gia đình có người bị bệnh liên quan đến tim mạch, đột quỵ hay có nguy cơ cao mắc bệnh này, bạn nên đi kiểm tra huyết áp vài tháng một lần.

huyết áp cao là gì

Người cao tuổi cần đi khám định kỳ để phát hiện bệnh cao huyết áp

Tác hại, biến chứng của huyết áp cao

Khi người bệnh chủ quan không để ý đến những biểu hiện của huyết áp cao, lâu ngày bệnh tiến triển nhanh hơn và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Huyết áp cao có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau rất khó lường trước, trong đó phải kể đến những biến chứng điển hình như:

1. Biến chứng về tim mạch

  • Huyết áp cao trong thời gian dài sẽ gây tắc nghẽn động mạch vành, do đó lượng máu truyền tới tim giảm rõ rệt gây thiếu máu cơ tim. Thiếu máu cơ tim có thể dẫn đến những cơn đau ngực trái kéo dài khoảng 15-20 phút. Cơn đau nhức này cũng có thể lan tới các cơ quan lân cận như cằm, cánh tay. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn làm việc quá sức, stress.
  • Một biến chứng tim mạch khác do huyết áp cao gây ra đó là phì đại thất trái. Nguyên nhân là do áp lực cao tác động lên thành tâm thất trái khiến tâm thất co bóp khó khăn. Nếu không kiểm soát được bệnh thì phì đại thất trái có thể dẫn đến suy tim, đột quỵ, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

2. Biến chứng về mắt

Sự gia tăng áp lực lên các thành mạch máu nhỏ xung quanh nuôi dưỡng mắt, thành động mạch và dây thần kinh thị giác có thể dẫn đến xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác thậm chí là mù lòa. Đây là một biến chứng nặng của bệnh huyết áp cao, vì vậy người bệnh không được chủ quan khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào.

3. Biến chứng về não

  • Xuất huyết não: khi bị chèn ép bởi một lực quá lớn, các mạch máu não có thể bị vỡ, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết não dẫn đến liệt nửa người hoặc liệt toàn thân, nặng hơn có thể bị tử vong.
  • Nhũn não: biến chứng này xuất hiện khi các mạch máu nuôi não bị hẹp và hình thành các mảng xơ vữa. Nếu các mảng xơ vữa này bị nứt sẽ tạo nên các cục máu đông làm tắc mạch máu não và gây chết một vùng não hay còn gọi là nhũn não.
  • Thiếu máu não: huyết áp cao làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não dẫn đến máu bơm lên não không đủ. Bệnh nhân lúc này sẽ hoa mắt, chóng mặt, có khi bất tỉnh. Nguy hiểm hơn là khi bị ngã do chóng mặt, người bệnh có thể bị chấn thương đầu hoặc các cơ quan khác.

Đặc biệt, các biến chứng về não rất dễ gây ra đột quỵ cực kỳ nguy hiểm, nếu người thân không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, người bệnh nên có biện pháp phòng tránh cũng như ngăn biến chứng xảy ra càng sớm càng tốt.

huyết áp cao có thể gây đột quỵ

Các biến chứng về não sẽ dễ dẫn đến đột quỵ

4. Biến chứng về thận

Bệnh huyết áp cao là nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến suy thận. Các mạch máu nuôi dưỡng thận bị hẹp làm ảnh hưởng đến chức năng lọc máu dẫn đến không điều chỉnh được lượng muối trong cơ thể.

Hơn thế, thận còn có vai trò quan trọng trong việc tham gia điều chỉnh huyết áp bằng cách sản sinh ra hormon renin. Vì vậy, khi bị huyết áp cao thận sẽ không thể làm tốt chức năng này gây nên một vòng bệnh lý luẩn quẩn, việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.

5. Biến chứng về mạch ngoại vi

Huyết áp cao làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi các động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, người bệnh khi đi lại sẽ bị đau chân, đi đứng trở nên khó khăn hơn, phải nghỉ cách hồi.

Nguyên nhân huyết áp cao

1. Huyết áp cao nguyên phát

Đây là loại huyết áp cao phổ biến nhất chiếm 90-95% số ca bệnh và các trường hợp này có biến chứng dần theo thời gian. Vì không thể xác định được rõ nguyên nhân một cách cụ thể nên nó còn được gọi là huyết áp cao vô căn.

Nguyên nhân dẫn đến huyết áp cao nguyên phát có thể là do:

  • Tuổi tác: Khi tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh sẽ càng lớn, đặc biệt là nhóm tuổi từ 60 trở lên, nguy cơ bị huyết áp cao sẽ nhiều hơn nhóm người trẻ.
  • Yếu tố di truyền: Đây là căn bệnh có khuynh hướng di truyền theo gia đình, do đó nếu trong nhà có người bị bệnh thì bạn cũng có khả năng bị huyết áp cao.
  • Người béo phì, đái tháo đường: Đối tượng này có nguy cơ bị bệnh cao gấp 2-6 lần so với người gầy. Do thói quen ít vận động và chế độ ăn uống không hợp lý, đây cũng là hai yếu tố làm tăng tỉ lệ người huyết áp cao.
  • Dùng nhiều muối: Muối làm cơ thể tích nước dẫn đến tăng huyết áp, do đó người có thói quen ăn mặn dễ mắc bệnh hơn so với những người ăn nhạt.
  • Sử dụng đồ uống có cồn: Rượu, bia cũng là một trong những yếu tố dẫn đến huyết áp cao.

2. Huyết áp cao thứ phát

Chiếm 5-10% những ca bệnh còn lại, trái với huyết áp cao nguyên phát thì huyết áp cao thứ phát sẽ xác định được nguyên nhân. Một số nguyên nhân chính dẫn đến huyết áp cao thứ phát bao gồm:

  • Rối loạn hormon ở tuyến thượng thận.
  • Do bệnh lý về thận như suy thận, u thận hay tắc mạch vùng thận.
  • Tác dụng phụ của thuốc giảm đau, thuốc giảm cân...
  • Chứng rối loạn hô hấp khi ngủ.
  • Thai phụ mang thai lần đầu và các biến chứng thai sản.
  • Các khuyết tật bẩm sinh như hẹp động mạch chủ.
  • Hội chứng Cushing.
  • Hội chứng Conn – cường Aldosteron tiên phát.
  • Căng thẳng tâm lý.

Chẩn đoán huyết áp cao

Chẩn đoán bệnh là phương pháp nhanh và hiệu quả để phát hiện kịp thời những dấu hiệu của huyết áp cao. Một trong những cách chẩn đoán huyết áp cao đơn giản là đến phòng khám, bệnh viện và thực hiện đo huyết áp theo quy trình chuẩn. Hoặc bạn có thể sử dụng Holter huyết áp theo dõi huyết áp 24h hoặc tự đo huyết áp tại nhà.

  • Đo huyết áp tại phòng khám: khi huyết áp ≥ 140/90 mmHg đồng nghĩa với việc bạn bị tăng huyết áp.
  • Đo huyết áp bằng máy Holter: tăng huyết áp khi huyết áp trung bình ban ngày ≥ 135/85 mmHg và huyết áp trung bình ban đêm ≥ 120/70mmHg.
  • Tự đo huyết áp tại nhà: Bạn hãy tự đo huyết áp nhiều lần tại nhà, tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 135/85 mmHg.

Một số lưu ý cho bạn khi chuẩn bị kiểm tra huyết áp để có kết quả chính xác nhất:  

  • Không uống cà phê, hút thuốc trước khi kiểm tra huyết áp.
  • Nên đi vệ sinh trước khi đo huyết áp. 
  • Nghỉ ngơi, thư giãn khoảng 5 - 10 phút trước khi kiểm tra.

Vì đây là một căn bệnh diễn biến âm thầm hầu như không có dấu hiệu nhận biết, do đó bạn nên thường xuyên theo dõi và đo huyết áp của mình định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý. Đặc biệt là khi có người thân trong gia đình từng bị căn bệnh này thì bạn càng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Cách điều trị huyết áp cao

Bệnh huyết áp cao đang ngày một phổ biến ở Việt Nam do thói quen ăn uống và sinh hoạt không điều độ. Việc điều trị cần quá trình dài và tuân thủ nguyên tắc loại trừ các nguy cơ gây ra biến chứng. Một khi bị huyết áp cao nguyên phát đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải điều trị kéo dài, suốt đời vì bệnh sẽ không thể chữa khỏi dứt điểm được. Những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả đang được dùng phổ biến hiện nay gồm:

Phát triển chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp cơ thể phòng ngừa được biến chứng do huyết áp cao mà còn ức chế các căn bệnh khác. Chế độ dinh dưỡng gồm rau củ quả rất tốt cho tim mạch, giảm các biến chứng có thể xảy ra. Bạn nên ăn các loại rau như: rau chân vịt, rau diếp, cải xoăn, cải cầu vồng… Các loại quả, hạt như việt quất, yến mạch… cũng rất tốt cho sức khỏe của người cao huyết áp.

Người bị cao huyết áp nên ăn nhạt, hạn chế lượng muối nạp vào hàng ngày không nên quá một muỗng cà phê. Đặc biệt, với người béo phì nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: nên giảm bớt lượng đường, hạn chế đồ dầu mỡ, ăn cá, rau củ và các loại thực phẩm giàu chất xơ. Ngay cả khi bạn không bị tiểu đường cũng không nên ăn nhiều đồ ngọt vì đây là một yếu tố làm tăng huyết áp thường gặp. Không nên ăn nội tạng động vật, mỡ và các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp như: cá hộp, thịt muối, cà muối, các món kho, rim… Ngoài ra nên tránh xa các loại đồ uống có cồn như bia, rượu… và các chất kích thích khác.

huyet ap cao khong duoc dung nhieu muoi va chat bao quan

Các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và chất bảo quản không tốt cho người cao huyết áp

Tăng cường hoạt động thể chất

Tập thể dục thường xuyên sẽ rất tốt cho tim mạch và hệ xương khớp. Kiên trì tập luyện thể dục thể thao đều đặn bạn sẽ có một sức khỏe dẻo dai và phòng ngừa huyết áp cao hiệu quả. Nên dành 30 - 45 phút mỗi ngày để tập những bài tập phù hợp với thể trạng của bản thân. Đồng thời, bạn cũng nên dành thời gian để thư giãn đầu óc, xả stress giúp tinh thần luôn thoải mái, tích cực.

Giữ trọng lượng cơ thể phù hợp

Nếu bạn bị béo phì, thừa cân thì hãy kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giảm trọng lượng cơ thể. Hạn chế lượng calorie nạp vào và ăn những thực phẩm ăn kiêng tốt cho tim mạch, ít béo. Trong trường hợp bạn không bị béo phì thì việc giữ trọng lượng cơ thể phù hợp cũng sẽ mang lại những tác động tích cực đến việc điều trị huyết áp cao, giảm nguy cơ biến chứng. Trọng lượng cơ thể nên được duy trì ở mức BMI từ 18,5 đến 22,9 là lý tưởng.

Sử dụng thuốc điều trị

Tùy theo thể trạng và tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng và loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc đang được dùng để điều trị huyết áp cao hiện nay như:

  • Thuốc ức chế Beta: đây là loại thuốc giúp làm giãn động mạch, giảm áp lực lên tim và giúp tim đập chậm hơn. Cơ chế hoạt động của thuốc này là làm giảm áp lực máu khi bơm qua động mạch ở mỗi nhịp tim.
  • Thuốc lợi niệu: thuốc lợi niệu giúp loại bỏ lượng muối thừa trong cơ thể, nguyên nhân gây tích nước, tăng huyết áp. Lượng muối thừa sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu, đồng thời dư lượng chất dịch cũng được đẩy ra giúp giảm áp lực lưu lượng máu.
  • Chất gây ức chế ACE: chất này giúp chuyển sinh Angiotensin - hóa chất khiến mạch máu và thành động mạch co hẹp lại, từ đó ngăn cơ thể sản sinh quá nhiều chất này.
  • Thuốc chặn Canxi: thuốc này giúp chặn một số gốc canxi xâm nhập vào cơ tim, từ đó giảm áp lực lên tim và giảm chỉ số huyết áp. Ngoài ra, thuốc cũng có tác dụng tương tự lên mạch máu làm giãn mạch máu.
  • Thuốc chặn Alpha - 2: Thuốc giúp làm giãn mạch máu và giảm huyết áp. Cơ chế của nó là thay đổi xung thần kinh nguyên nhân gây co mạch máu, từ đó làm thư giãn mạch máu, giúp hạ huyết áp.

Việc sử dụng thuốc muốn đạt được hiệu quả điều trị cao nhất cần có sự phối hợp của người bệnh. Người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ những chỉ định, phác đồ điều trị từ bác sĩ và kiên trì trong thời gian dài.

Chăm sóc người bị biến chứng do huyết áp cao

Những biến chứng của huyết áp cao không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Với những biến chứng nghiêm trọng như liệt nửa người, liệt toàn thân… người bệnh cần đến những sản phẩm hỗ trợ vệ sinh cá nhân như tã người lớn. Tã người lớn vừa giúp người bệnh thoải mái hơn trong việc vệ sinh cá nhân vừa giúp giảm gánh nặng cho người chăm sóc.

SunMate là thương hiệu tã người lớn chất lượng, được nhiều người tin dùng trong nhiều năm đồng hành chăm sóc sức khỏe vệ sinh cho người lớn tuổi, người gặp khó khăn trong việc kiểm soát bài tiết. Nhãn hàng đã nghiên cứu và cho ra mắt thị trường những sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng người dùng khác nhau, giúp họ tự tin sống vui, sống khỏe.

Với những bệnh nhân huyết áp cao bị biến chứng liệt nửa người hoặc liệt toàn thân không tự đi vệ sinh được thì tã dán SunMate là một lựa chọn phù hợp. Người chăm sóc có thể mặc và thay tã cho người bệnh ngay trên giường một cách dễ dàng. Tã dán SunMate có lớp dẫn thấm thông minh ADL giúp thấm hút siêu tốc, lan tỏa đều chất lỏng và ngăn thấm ngược. Từ đó giúp người mặc luôn cảm thấy khô thoáng, dễ chịu và không bị hầm bí. Đặc biệt vạch báo tã đầy tiện lợi tự động chuyển màu mực giúp người chăm sóc chủ động được thời gian. Tã dán SunMate thực sự là món quà tinh thần tuyệt vời mà bạn có thể dành cho người thân yêu của mình, để họ tự tin hơn, lạc quan sống, không còn mặc cảm và thêm động lực chiến đấu với bệnh tật. Bạn có thể tìm mua sản phẩm tã dán SunMate dễ dàng ở nhiều siêu thị và tiệm tạp hóa trên toàn quốc. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt hàng online qua các trang thương mại điện tử như Tiki, Sendo, tabimshop.com.

“Sinh, lão, bệnh, tử” vốn là quy luật của cuộc sống, không ai là không trải qua nhưng để giảm thiểu rủi ro bệnh tật là điều bạn có thể làm. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích để phòng tránh, giảm nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao, nâng cao chất lượng cuộc sống.